Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH MỚI NHẤT CỦA NGUYỄN XUÂN DIỆN


Sách Mới:


TẢN VIÊN SƠN THÁNH - DI TÍCH & LỄ HỘI ĐỀN VÀ  

Tác giả: Nguyễn Xuân Diện
NXB. Thế Giới. Hà Nội, 2017. 264 trang.
Giấy trắng. Bìa ép nhũ vàng và thúc nổi trên nền màu son.
Giá bìa: 72.000 đ. 


Liên hệ mua sách:
 
Tại Đền Và: Chị Nữ  số ĐT: 01 666 824 454.

Tại Hà Nội: Chị Nguyễn Kim Măng – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội. ĐT: 098 529 9535 Email: kimmanghn@gmail.com

Đền Và (Đông Cung) là nơi thờ phụng Tản Viên Sơn Tam Vị Đại Vương Quốc Chúa Thượng Đẳng Thần, vị thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử và cũng là đứng đầu bách thần – “khí thế rừng rực thuở đương thời, anh linh tỏa rạng đến muôn sau”.
Đền Và là hành cung do Thánh Tản chọn đất, là nơi Ngài đi tuần du, tắm gội rồi về nghỉ lại, gác lại Gậy tiên, Sách ước. Đây cũng là cung điện để bách quan và trăm họ bái yết Thánh Tản.
Đền Và có kiến trúc đường bệ, đăng đối và thâm nghiêm giữa rừng lim già tĩnh mịch, trong không gian độc lập, là nơi danh sĩ các đời đề thơ văn bày tỏ tấm lòng sùng kính với Đức Thánh Tản.
Lễ hội đền Và là một trong các lễ hội lớn vào bậc nhất và đông vui nhất xứ Đoài; hội tụ sức mạnh cộng đồng và gửi gắm khát vọng về hòa bình và no ấm của muôn dân Đất Việt trong suốt dọc dài lịch sử.
Lời giới thiệu

Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh là một hệ thống truyền thuyết lớn và phát triển sớm trong lịch sử. Đây không những là một hệ thống truyền thuyết có số lượng truyện kể lớn mà dung lượng về nội dung cũng hết sức phong phú và liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: sử học, địa lý học, văn học, văn hóa dân gian, kiến trúc, tín ngưỡng…

Truyền thuyết này được hình thành và phát triển ở vùng xung quanh núi Ba Vì (Tản Viên Sơn) thuộc Hà Nội. Nguyễn Trãi từng viết trong Dư địa chí: "Núi ấy (Ba Vì, Tản Viên Sơn) là núi tổ của nước ta đó".

Dưới triều Nguyễn, năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng năm thứ 17 (1836), hoàng đế truyền đúc Cửu Đỉnh làm biểu tượng cho quyền uy và sự bền vững của triều đình. Hình núi Tản Viên được khắc vào Thuần Đỉnh (cao 2,32m, nặng 1.950 kg) cùng với cửa bể Cần Giờ và sông Thạch Hãn. Triều Tự Đức năm thứ 3, Canh Tuất (1850) núi Tản Viên được liệt vào hàng danh sơn của đất nước; hàng năm triều đình làm lễ quốc tế. Tản Viên - Ba Vì là nơi ngự trị của Tam Vị Đại vương Quốc chúa Thượng đẳng thần Tản Viên Sơn Thánh, là "Đệ nhất Phúc thần" của Tứ Bất tử trong thần điện Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài thảo mộc quý hiếm như Vô phong độc dao thảo (loài cỏ không có gió cũng tự lay động), có loài Đông trùng hạ thảo (loài thực vật mùa đông thì biến thành con sâu, mùa hè thì mọc mầm thành ra cỏ), có loài rêu màu đỏ như huyết, ...


Vùng núi Ba Vì có hàng trăm di tích liên quan đến việc thờ Tản Viên Sơn Thánh mà nghi lễ, phong tục thờ phụng từ bao đời đã làm cho vùng này trở thành “một tiểu vùng văn hóa” đặc biệt. Trong số những di tích thờ thần núi Tản, đền Và (Đông Cung) thuộc thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội là một di tích lớn với các di sản kiến trúc, di sản Hán Nôm có giá trị trong việc nghiên cứu về Sơn Tinh Tản Viên Sơn Thánh.


Tòa Tiền tế, đền Và. Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quoc Toan Son Tay.
.

Chuẩn bị cung nghinh Thánh Tản sang đền NGỰ DỘI. ẢNh do Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thành Nikon chụp lúc 03h sáng Rằm Tháng Giêng năm Đinh Dậu (2017).
  .
Đám rước Thánh Tản khởi hành lúc 3h sáng Rằm Tháng Giêng. Những năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu rước Thánh Tản qua sông Hồng, có sự tham gia của 3 phường 1 xã của 2 huyện, thuộc 2 tỉnh. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Thành Nikon chụp lúc 3h30 tại cánh đồng Khói Nhang, bên cạnh Đền Và.

Các cụ trong đội tế của Đền Và trong trang phục áo thụng lam, bao khẩu bằng vải đỏ, rước Long ngai Tam Thánh vào hậu cung đền Ngự Dội, sau khi đoàn rước đã rước các Ngài trên quãng đường 6km và vượt sông Hồng để vào thực hiện lễ Mộc dục (tắm gội) tại Đền Ngự Dội, thôn Di Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Nikon.

Đền Và nằm ở vị trí đặc biệt của vùng truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, là nơi quy tụ, lưu truyền nhiều câu chuyện về vị thần non Tản, cũng như đã bảo lưu nhiều nét văn hóa truyền thống cổ xưa trong lễ hội, phong tục, tín ngưỡng. Hơn thế, những nét văn hóa này vẫn mang tính liên tục và tồn tại cho đến hôm nay. Những điều đó cho thấy đền Và là một di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh tiêu biểu cho cả xứ Đoài.

Trong cuốn chuyên khảo này, thông qua các tư liệu chữ Hán Nôm hiện còn lưu trữ tại đền Và chúng ta đã có lời giải thích tại sao đền Và chỉ là một trong bốn cung điện thờ Thánh Tản nhưng lại có vị trí đặc biệt như vậy ở xứ Đoài. Đó là vì theo thần tích, đền Và chính là một Yết cung (cung điện thiết triều để muôn dân muôn đời đến bái yết) tương truyền do Thánh Tản chọn đất, nên được thiết kế bố trí như một triều đình mà Tam Vị Đức Thánh Tản là những vị vua (vì Thánh Tản cũng từng được Vua Hùng nhường ngôi và làm vua một thời gian). Từ đó, các nhà kiến trúc dân gian đã thiết kế tính toán để có một cụm kiến trúc đường bệ (Nghi môn, Tiền tế), đăng đối (gác chuông – gác trống, tả mạc – hữu mạc) và thâm nghiêm (Tiền tế - đền trung – đền thượng) giữa một cảnh trí rừng lim già tĩnh mịch.

Đền Và hiện còn giữ được 5 cuốn Thần tích (Ngọc phả), đóng trong 4 tập sách. Nghiên cứu các bản thần tích, đối chiếu với truyền thuyết trong dân gian, ghi chép của thư tịch cổ kim, chúng ta thấy rõ ràng bước đi và sự phát triển của huyền thoại Sơn Tinh – Tản Viên Sơn Thánh. Ngưng kết trong văn bản thần tích là các lớp trầm tích văn hóa được bồi đắp qua thời gian để nổi bật hình tượng Đệ nhất Phúc thần Tản Viên Sơn Thánh linh thiêng trong tâm thức dân gian châu thổ Bắc bộ mà ngàn đời nay người dân tôn kính, thờ phụng Ngài.

Tấm lòng sùng kính và tôn vinh Tản Viên Sơn Thánh trải các triều đại còn được lưu lại trong các tư liệu Hán Nôm quý giá mà bản đền lưu giữ được. Đó là những đạo sắc phong còn ánh lên nét vàng son trên đó ghi các mỹ tự do các vua chúa ca tụng sự uy linh và công “hộ quốc tý dân” của Thần. Và, câu đối, hoành phi, biển gỗ, bia đá…lưu bút của bao danh sĩ các đời.

Cuốn chuyên khảo nhỏ này (kể cả phần viết và các số liệu đo đạc kiến trúc) cơ bản được hoàn thành vào năm 1998, nhằm phân tích các nguồn tư liệu trong truyền thuyết dân gian và thư tịch cổ trong mối liên hệ chặt chẽ với di tích, phong tục, tín ngưỡng để làm nổi bật bóng dáng uy linh của Tam Vị Quốc Chúa Thượng đẳng thần Tản Viên Sơn Thánh.

Chúng tôi không hy vọng nói được tất cả về Đức Thánh Tản Viên và non ngàn kỳ bí, mà chỉ qua khảo cứu một ngôi đền, một lễ hội và một số văn bản Hán Nôm để nói lên một phần văn hóa và tâm linh của cộng đồng dân cư ở Xứ Đoài.

Kính mong quý vị độc giả chỉ giáo, chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

Xứ Đoài, Trung thu năm Đinh Dậu, 2017.
Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện.
_____________


MỤC LỤC

Lời giới thiệu

Phần 1: KHẢO CỨU NGỌC PHẢ, DI TÍCH VÀ LỄ HỘI

1. Truyền thuyết và Thư tịch
1.1. Truyền thuyết dân gian
1.2. Thư tịch cổ

2. Khảo cứu về Ngọc phả
2.1. Các bản Ngọc phả (Thần tích)
2.2. Từ truyền thuyết đến Ngọc phả

3. Hình tượng Tản Viên Sơn Thánh
3.1. Những tên gọi của Tản Viên Sơn Thánh
3.2. Các lớp văn hóa của hình tượng Tản Viên Sơn Thánh
3.2.1. Lớp văn hóa tín ngưỡng Việt - Mường
3.2.2. Lớp văn hóa Đạo giáo
3.2.3. Lớp văn hóa Nho giáo

4. Di tích đền Và - nơi Đức Thánh Tản thiết triều
4.1. Kiến trúc đền Và
4.2. Lịch sử xây dựng, tôn tạo đền Và
4.3. Bài trí thần điện và đồ thờ
4.4. Thư tịch Hán Nôm đền Và

5. Lễ hội đền Và, lễ hội lớn nhất xứ Đoài
5.1. Lễ hội Rằm tháng Giêng
5.2. Lễ hội Rằm tháng Chín

Phần 2: DI VĂN HÁN NÔM ĐỀN VÀ

Tản Lĩnh Sơn ngọc phả
Lịch triều Sắc phong
Hoành phi và Câu đối

1. Câu đối ở Nghi môn
2. Câu đối ở Gác trống - Gác chuông
3. Câu đối ở nhà Hữu mạc
4. Hoành phi ở nhà Tiền Tế
5. Câu đối ở nhà Tiền Tế
6. Hoành phi ở Trung cung và Hậu cung
7. Câu đối ở Trung cung và Hậu cung
8. Câu đối trong Tản Viên Sơn Thánh sự tích

Văn bia

Văn bia do Đốc học Sơn Tây Đỗ Doãn Chính soạn năm 1883

Các biển gỗ treo tại nhà Tiền tế
1. Biển gỗ đề thơ của Lại bộ Thượng Thư Nguyễn Khản năm 1783
2. Thơ họa lại của Đốc học Đặng Quỹ và Thương tá Nguyễn Trọng Điển
3. Bài ký leo núi Tản của Thương Sơn Bùi Đàm năm 1902
4. Bài ký về Đền Thượng của Hiến sát sứ Sơn Tây Bùi Đàm năm 1903
5. Bài ký về đền Và của Tuần phủ Sơn Tây Nguyễn Hữu Đắc năm 1909
6. Cuốn thư về đền Và của Phúc Hoàng Phan Đông năm 1912

Thư mục tài liệu tham khảo chính


1 nhận xét :