Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

LỜI CẢM ƠN CỦA NGUYỄN XUÂN DIỆN & TRẦN NGỌC ĐÔNG


Lời cảm ơn! 

Nguyễn Xuân Diện & Trần Ngọc Đông

Ngày 8.2.2017, tức Mười Hai tháng Giêng năm Đinh Dậu, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi Giao lưu và Giới thiệu sách Đường thi Quốc âm cổ bản của hai soạn giả Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TP HCM), số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1.


Đến dự có đông đảo các nhà nghiên cứu, học giả lão thành, giới văn chương và bằng hữu của soạn giả và của nhà xuất bản. Đặc biệt có sự hiện diện của: Các học giả lão thành Nguyễn Đình Tư (96 tuổi), An Chi, Trần Văn Chánh, các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu: Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phan Đắc Lữ, Lê Minh Quốc, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Ngọc Quận, Nguyễn Văn Hoài, Trần Lê Hoa Tranh, Triệu Xuân, Nguyễn Thanh Lợi, các nhân sĩ trí thức, nhà báo: Huỳnh Kim Báu, Nguyễn Thế Thanh, Lê Tri Điền, Sương Quỳnh, Lê Công Định, Vũ Trọng Khải, Lại Ánh Hồng, Lê Phú Khải, Hữu Nguyên…và rất nhiều bạn trẻ yêu thích cổ văn và Đường thi. Thông tấn xã Việt Nam (Phía Nam), Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, và cơ quan báo chí đã cử phóng viên tham dự sự kiện để đưa tin bài. Hoàng Dũng và một số thành viên của Con Đường Việt Nam đã tới và truyền trực tiếp sự kiện lên FB để những người ở xa không có điều kiện tham dự có thể theo dõi.


Nghệ sĩ Đàn tranh, TS Hải Phượng đã tới cùng cây đàn tranh quen thuộc, Nữ sĩ Viên Trân đưa tới bộ đồ pha trà cổ xưa, cùng một đỉnh trầm để làm cho cuộc gặp gỡ được đầm ấm trong tiếng đàn vấn vít khắp căn phòng đượm mùi trầm, và đầy ắp  tri kỷ tri âm

Nhà biên khảo Nguyễn Đình Tư đã 96 tuổi, vẫn vận quốc phục tới dự và phát biểu 
tại buổi giao lưu.

Mở đầu, BTV Trần Ban giới thiệu nội dung buổi giao lưu và các vị khách mời. Sau đó hai soạn giả Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông chia sẻ về quá trình làm sách, về những khó khăn gặp phải khi đọc Nôm và đánh máy chữ Nôm bản thảo. Soạn giả Nguyễn Xuân Diện kể lại quá trình gặp gỡ với nhà xuất bản và lý do tại sao lại in sách ở phương Nam xa xôi, đồng thời cũng thông báo tới bạn đọc về một số chữ đã bị gõ sai (01 chữ) và bị phiên âm sai (02 chữ) trong cuốn sách. 
.
Biên tập viên Trần Ban, người luôn bên cạnh hai soạn giả trong suốt quá trình làm sách..
Cứ như là một giấc mơ. Vận quốc phục ngâm cổ thi giữa lòng Sài Gòn, 
tại Bảo tàng Lịch sử VN (TP HCM), trong tiếng đàn tranh tri âm tri kỷ của Nghệ sĩ Hải Phượng, trong một căn phòng đầy ắp những tri âm.

Xen giữa câu chuyện chia sẻ, diễn giả Nguyễn Xuân Diện ngâm các bài thơ Tương tiến tửu (Lý Bạch), Khiển hoài (Đỗ Mục), Thu hứng (Đỗ Phủ) & Tỳ bà hành (Bạch Cư Dị) trong tiếng đàn tranh của Hải Phượng, đồng thời cũng phân tích thêm những giá trị của thơ Đường trong đời sống, học thuật của người Việt từ xưa, trong đó có mối quan hệ giữa thơ Đường và các hình thức diễn xướng của người Việt như ngâm thơ, ca trù... mà thơ Đường là chất liệu quan trọng để chuyển tải các làn điệu hoặc là chất xúc tác để nghệ nhân Việt Nam làm nên tác phẩm mới. 
.
Với Học giả lão thành An Chi, là lần đầu hai anh em được diện kiến.
.
Nữ sĩ Nguyễn Thị Hậu, chị đến dự, động viên và mua hai bản sách có chữ ký và triện son.
.


Phần giao lưu bất ngờ với sự hiện diện của Trần Thiện Tùng (VOV Tp HCM) góp vui bằng giọng ngâm trầm lắng thiết tha, ngâm các bài Đường thi trong tiếng đàn tranh của nghệ sĩ nổi tiếng Hải Phượng. Anh Hoàng Tuấn Minh đồng hương xứ Đoài của hai soạn giả đề nghị Trần Thiện Tùng ngâm tặng hai soạn giả bài Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng.

Trần Thiện Tùng ngâm một bản dịch thơ Đường trong cuốn sách.
.
Hai soạn giả đã trả lời tất cả các câu hỏi và chia sẻ của cử tọa, trong sự trân trọng và thân tình.

Cuộc giao lưu kết thúc bằng bài thơ Tạm biệt của Thu Bồn, do soạn giả Nguyễn Xuân Diện ngâm theo lối Huế lắng sâu tình cảm. Sau đó, hai soạn giả dành 30 phút để ký tên và đóng triện son tại chỗ cho bạn đọc.





Chúng tôi xin chân thành cảm ơn: Bà Đinh Thị Thanh Thủy và Ban giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã đón nhận bản thảo và vận hành guồng máy làm việc để sách được ra khỏi nhà in đến với bạn đọc trước thềm năm mới Đinh Dậu. Cảm ơn BTV Trần Ban đã sát cánh cùng hai soạn giả, liên lạc thường xuyên và động viên chúng tôi rất nhiều trong khi làm việc. Cảm ơn Họa sĩ thiết kế bìa Linh Vũ và chị Mộng Lành đã thiết kế và dàn trang bản thảo cuốn sách rất đẹp và trang nhã, dễ xem. Nhà xuất bản đã thu xếp để chúng tôi được nghỉ tại một nhà khách có tên rất ý vị: Nhà khách NGƯỜI CÓ CÔNG, 168 Hai Bà Trưng, P. Đa Kao, quận 1. 






Xin cảm ơn Anh Huỳnh Kim Báu đã tặng lẵng hoa, và Nữ sĩ Viên Trân đã mang đỉnh trầm tới làm cho không khí thêm phần tao nhã. Nghệ sĩ Hải Phượng và Trần Thiện Tùng đã tới để cùng chúng tôi gắn kết những tâm hồn yêu tiếng Việt và cổ nhạc Việt. 
.


Nữ sĩ Viên Trân tại hiên trà tư gia.

Xin chân thành cảm ơn Ban Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TP HCM) đã thu xếp và tạo điều kiện để Nhà xuất bản có căn phòng đẹp, ấm cúng cho buổi giao lưu.

Cảm ơn các nhà báo đã tới tham dự và đưa tin, đặc biệt báo Tuổi trẻ đã phát bài trên bản online ngay trong chiều 8.2 (báo giấy ra ngày 9.2) và Đài Truyền hình TP HCM đã phát bản tin vào sáng sớm nay, ngày 9.2.2017. TTX Việt Nam chắc đang còn biên tập thêm chút nữa sẽ phát tin bài. 



Cảm ơn Hoàng Dũng đã tới và phát trực tiếp để truyền đi khắp nơi giọng ngâm thơ của soạn giả Nguyễn Xuân Diện.

Cuối cùng xin cảm ơn các cụ, các bác, các anh chị và các bạn trẻ đã tới dự, khích lệ và ở lại đến tận giây phút cánh cửa phòng khép lại để phục vụ một sự kiện khác.

Xin mượn hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương để kết thúc Lời cảm ơn của chúng tôi:

Mặt nhìn mặt còn ngờ trong giấc mộng,
Phải rằng đây vang bóng một thời xưa.

Hà Nội, ngày 9 tháng 2 năm 2017.
Nguyễn Xuân Diện – Trần Ngọc Đông
Ảnh: NXB và các bạn bè. 

Mời quý vị thưởng thức một số bài ngâm thơ tại sự kiện Giao lưu và Giới thiệu sách.
Video clip do Trần Thiện Tùng ghi.


.

.

6 nhận xét :

  1. Một bầu không khí rất Văn hóa!
    Cảm ơn hai tác giả Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông cùng những vị khách đến dự!

    Trả lờiXóa
  2. TS Diện có giọng nói từ tốn, ấm áp và giọng ngâm thật truyền cảm !

    Trả lờiXóa
  3. Trang nhã phong cách nhà nho hiện đại Nguyễn Xuân Diện và giọng ca giàu cung bậc giai điệu thú vị bất ngờ- coi như tại hạ đã diện kiến tiên sinh các hạ rồi nha.

    Trả lờiXóa
  4. Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông mặc áo the xanh, quần trắng trúc bâu, đội khăn đống , mang dép da Ký Long chắc đẹp hơn !!

    Trả lờiXóa
  5. NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh nên cảm ơn sự cộng tác của hai học giả Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Xuân Diện vì hai học giả đã chọn nhà xuất bản này.
    Với sự cộng tác của hai học giả thì nhà xuất bản mới có được những tác phẩm hay và có gía trị đến tay bạn đọc và nhờ đó mà xuất bản có được thiện cảm của độc giả và uy tín của nhà xuất bản vì thế cũng được nâng cao.
    Nay hai học giả Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông đã hạ bút thì nhà xuất bản nên có thông cáo báo chí đáp từ. Đó là cạch cư xử cần thiết với những nhà trí thức đã cộng tác với mình.

    Trả lờiXóa
  6. Việc cảm ơn các học giả chỉ có lợi và làm tăng giá trị của nhà xuất bản mà thôi, vì đó chính là việc xác định đẳng cấp của nhà xuất bản.

    Trả lờiXóa